Bảo quản vắc - xin thú y đúng cách

Một Số Lưu Ý Khi Sử Dụng Và Bảo Quản Vắc – Xin Thú Y

1.      VẮC – XIN LÀ GÌ?

Vắc – xin là một chế phẩm sinh học có chứa 1 phần hoặc toàn phần tác nhân gây bệnh (đã được vô hoạt hoặc giảm độc lực), có tác dụng kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch chủ động, đặc biệt nhằm chống lại tác nhân gây bệnh.

Vắc xin là gì
Vắc – xin là gì? Nguồn: Sưu tầm

Nguyên lý hoạt động vắc – xin là tạo ra trong cơ thể động vật sống một đáp ứng miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại kháng nguyên – mầm bệnh tương ứng khi xâm nhập vào cơ thể động vật.

Một số đặc tính cơ bản của vắc – xin có thể kể đến như:

  • Tính miễn dịch: vắc – xin có khả năng đáp ứng miễn dịch dịch thể hoặc tế bào (hoặc cả hai). Tính miễn dịch phụ thuộc vào kháng nguyên và cơ thể nhận kháng nguyên hay nói cách khác chính là phụ thuộc vào cơ địa của động vật nhận kháng nguyên.
  • Tính kháng nguyên hay tính sinh kháng thể: một vắc – xin đưa vào cơ thể phải có khả năng kích thích cơ thể đó sinh ra kháng thể đặc hiệu tương ứng với kháng nguyên có trong vắc – xin,
  • Tính ghi nhớ miễn dịch: khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể động vật đã được tiêm phòng vắc – xin (tương ứng với mầm bệnh), cơ thể đó có khả năng sinh miễn dịch tiêu diệt được mầm bệnh như khi được “tập duyệt trước” với vắc – xin.
  • Tính an toàn: vắc – xin phải đảm bảo được 3 yêu cầu vô trùng, thuần khiết và vô độc. Vắc – xin phải không được nhiễm các vi sinh vật khác, không được lẫn các thành phần kháng nguyên khác có thể gây ra các phản ứng phụ. Sau khi sản xuất, vắc – xin phải an toàn, không hoặc ít gây ra các phản ứng phụ không mong muốn cho động vật sử dụng.

2. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG VẮC – XIN THÚ Y

Để có được hiệu quả như mong muốn, việc sử dụng vắc – xin đúng nguyên tắc luôn là điều kiện hàng đầu. Sử dụng vắc – xin sai nguyên tắc không những không mang lại hiệu quả phòng bệnh mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ khác như làm giảm khả năng đề kháng của vật nuôi, thậm chí gây ra những tai biến đáng tiếc [1]. Vì vậy, trong quá trình sử dụng vắc – xin cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc sử dụng vắc - xin thú y
Nguyên tắc sử dụng vắc – xin thú y

Xác định phạm vi tiêm và lựa chọn vắc – xin thú y hợp lý

Việc xác định chính xác và hợp lý phạm vi tiêm phòng của vắc – xin là vô cùng quan trọng, đảm bảo tính tiết kiệm trong sử dụng vắc – xin, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh. Để làm được điều đó, cần được chú trọng công tác điều tra về dịch tễ học. Cần xác định chính xác các typ vi khuẩn, virus đã từng gây bệnh trong khu vực định tiêm, phạm vi dịch xảy ra ở mức độ rộng hay hẹp, thời điểm lần cuối cùng dịch xảy ra ở địa phương đó… Từ đó, đưa ra kế hoạch nhập chủng loại và số lượng vắc – xin hợp lý, phục vụ cho công tác tiêm phòng tại địa phương đó.

Tiêm phòng vắc – xin đúng đối tượng

Vắc – xin thú y là thuốc phòng bệnh cho động vật khỏe, chưa mắc bệnh, không tiêm vắc – xin thú y cho những con đang ốm, những con gầy yếu, quá non, con mới đẻ, những con mới phẫu thuật chưa lành, những con có nhiều ký sinh trùng. Sau khi tiêm vắc – xin, vật nuôi cần được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt.

Tiên vắc xin cho chó
Tiên vắc xin cho chó

Nếu trong cơ thể động vật đã mang sẵn mầm bệnh, sau khi tiêm kháng nguyên cùng loại với mầm bệnh có trong cơ thể thì bệnh phát ra sớm hơn, nặng hơn. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp ngoại lệ, vắc – xin có thể dùng khi động vật đã nhiễm mầm bệnh. Ví dụ ở bệnh tả lợn, tiêm thẳng vắc – xin vào ổ dịch sẽ có tác dụng loại trừ nhanh những con mắc bệnh nặng, còn những con mắc bệnh nhẹ hoặc chưa mắc bệnh sẽ tạo được miễn dịch trong cơ thể.

Thông thường, không dùng vắc – xin cho động vật còn quá non và cần thận trọng đối với động vật có thai. Ở động vật non, các cơ quan đảm nhận chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể chưa hoàn thiện nên đáp ứng miễn dịch còn yếu; ngoài ra, động vật non còn có một lượng kháng thể thụ động từ mẹ truyền cho, những kháng thể đó có thể ngăn cản tác dụng của vắc – xin. Nếu không có dịch bệnh đe dọa thì chỉ nên dùng vắc – xin cho súc vật từ 2 – 7 tuần tuổi, dùng vắc – xin càng muộn càng tốt. Khi có dịch đe dọa buộc phải tiêm phòng sớm cho động vật non nhưng cần tiêm liều bổ sung sau đó.

Ở động vật mang thai, trạng thái sinh lý thay đổi nhiều nên dùng vắc – xin dễ gây ra những phản ứng mạnh và làm sảy thai. Ngoài ra, bào thai dễ nhầm lẫn kháng nguyên được đưa vào là thành phần của bản thân nó, do đó khi sinh ra nó sẽ không sinh được miễn dịch ngay cả khi tiêm phòng bằng loại vắc – xin đó, đây chính là hiện tượng dung nạp miễn dịch. Đặc biệt không sử dụng vắc – xin uống cho gia súc mang thai, nhất là vắc – xin nhược độc.

Tiêm phòng đúng thời gian, đúng quy cách

Phần lớn các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra hoặc phát triển rầm rộ vào một thời điểm nhất định trong năm. Vì vậy, để phòng một bệnh truyền nhiễm nào đó cần tiêm phòng vắc – xin trước khi mùa bệnh xảy ra một khoảng thời gian đủ để cơ thể tạo được miễn dịch phòng vệ chắc chắn (thường là trước 2 – 3 tuần).

Sau khi tiêm phòng vắc – xin, cơ thể chỉ được bảo vệ đối với bệnh đã tiêm phòng trong khoảng thời gian nhất định và phụ thuộc vào từng loại vắc – xin được tiêm (thường từ 3 – 12 tháng). Hết thời gian đó, cơ thể lại cảm nhiễm với mầm bệnh, vì vậy cần tiêm nhắc lại kịp thời để tạo khả năng bảo vệ liên tục.

Phải tiêm đủ liều vắc – xin cho động vật theo khuyến cáo từ nhà sản xuất. Nếu tiêm quá liều sẽ tạo sự ức chế đáp ứng miễn dịch đối với cơ thể, hiệu quả sinh kháng thể đặc hiệu sẽ thấp, hoạt động miễn dich của tế bào bị hạn chế, gây lãng phí vắc – xin, dẫn đến chi phí tiêm phòng tăng. Ngược lại, nếu tiêm liều thấp hơn liều quy định, sẽ không đủ lượng kháng nguyên kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch, hiệu lực sinh kháng thể đặc hiệu và hoạt động miễn dịch của tế bào đều thấp, không tạo được khả năng phòng vệ cho cơ thể.

Mỗi loại vắc – xin sẽ có một đường xâm nhập cơ thể khác nhau tương ứng với đường xâm nhập của từng loại mầm bệnh vào cơ thể để gây ra bệnh. Hiện nay, các đường đưa vắc – xin phổ biến là tiêm bắp, tiêm dưới da, nhỏ mắt, mũi… Trong quá trình nghiên cứu chế tạo vắc – xin, các nhà khoa học đã chú ý lựa chọn đường đưa tối ưu vào cơ thể cho từng loại vắc – xin. Do đó, khi sử dụng vắc – xin tiêm phòng cho động vật nên đưa theo đường khuyến cáo từ nhà sản xuất để đạt được hiệu quả sử dụng vắc – xin cao nhất.

2.      MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN VẮC – XIN THÚ Y

Khả năng tạo miễn dịch của vắc – xin phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật sử dụng vắc – xin, trong đó có kỹ thuật bảo quản vắc – xin.

Điều kiện bảo quản vắc – xin phải đảm bảo, vắc – xin phải để nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Vắc xin phải được bảo quản trong phòng lạnh hoặc tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp (thường ở 4 – 10oC). Không giữ vắc – xin ở nhiệt độ âm, ngoại trừ vắc – xin virus dạng tươi phải được bảo quản ở -15oC.

Trước khi sử dụng phải kiểm tra thật kỹ, nếu thấy vắc – xin chuyển màu, quá hạn sử dụng phải hủy bỏ. Vắc – xin phải đạt mức độ bảo hộ lớn hơn hoặc bằng 70%.

Tủ lạnh âm sâu dạng đứng – 20o KLAB Ccó đèn LED KW [2]
Tủ lạnh âm sâu dạng đứng – 20o KLAB Ccó đèn LED KW [2]

Một số lưu ý trước khi sử dụng vắc – xin:

  • Kiểm tra lọ vắc – xin thú y trước khi sử dụng: trạng thái vật lý, màu sắc, độ trong đục.
  • Kiểm tra nhãn lọ vắc – xin: đúng vắc – xin cần sử dụng, số lô, số liều, liều lượng sử dụng, ngày sản xuất – hạn sử dụng, quy cách bảo quản.
  • Không dùng lọ vắc – xin thú y đã thay đổi trạng thái vật lý, nút lỏng, lọ nứt, vắc – xin đã quá hạn sử dụng.

Thao tác sử dụng:

  • Dụng cụ pha, nước muối sinh lý đã được tiệt trùng và để nguội trước khi pha vắc – xin.
  • Dụng cụ tiêm, tay người pha vắc – xin, vị trí tiêm phải được tiệt trùng.
  • Khi dùng xong, dụng cụ phải được tiệt trùng, tránh để vương vãi vắc – xin ra ngoài.
  • Khi dùng vắc – xin phải đưa thuốc đúng đường quy định.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Vắc – xin thú y và hướng dẫn sử dụng, Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 2012.

Tags: No tags