Vắc – xin là những chế phẩm đặc biệt từ vi sinh vật gây bệnh đã bất hoạt hoặc còn sống nhưng giảm độc lực (chứa một phần hoặc toàn phần cấu trúc vi sinh vật gây bệnh), được đưa vào cơ thể nhằm kích thích miễn dịch tế bào, sinh kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh.
Khác với các loại thuốc thường, vắc – xin là một sản phẩm đặc biệt có tính biến thiên, nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng, thời gian sử dụng ngắn, hạn chế về số lượng sản phẩm và nhà sản xuất, sử dụng một lần hoặc một vài lần. Vì vậy, từ sản xuất cho đến khi sử dụng, từng loại vắc – xin cần được bảo quản nghiêm ngặt, tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Mục tiêu của quá trình tiếp nhận, bảo quản vắc – xin, dung môi là thực hiện đầy đủ và thống nhất các bước tiếp trong quy trình theo đúng như quy định hoặc hướng dẫn đã được ban hành, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của môi trường xung quanh (nhiệt độ, ánh sáng) đến chất lượng vắc – xin, dung môi và tránh nhầm lẫn.
Các thiết bị trong quy trình bảo quản vắc – xin bao gồm tủ lạnh, hòm lạnh, bình tích lạnh (hoặc đá lạnh), thiết bị theo dõi nhiệt độ và các tài liệu liên quan.
Nguyên tắc chung trong bảo quản vắc – xin
Theo quyết định số 1730/QĐ-BYT Quyết định về việc ban hành “hướng dẫn bảo quản vắc – xin” của Bộ Y tế, có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2014 [1], khi bảo quản vắc – xin trong các thiết bị bảo quản cần phải tuân thủ các nguyên tắc chung sau:
- Vắc – xin và dung môi được sắp xếp theo loại, theo lô, hạn sử dụng để thuận tiện cho việc cấp phát.
- Sử dụng vắc – xin theo nguyên tắc hạn ngắn phải được sử dụng trước, tiếp nhận trước phải sử dụng trước và/hoặc theo tình trạng của chỉ thị nhiệt độ lọ vắc –xin.
- Những lọ vắc – xin còn nguyên được mang về từ buổi tiêm chủng, lọ vắc – xin có chỉ thị nhiệt độ đã chuyển sang giai đoạn có tiếp xúc với nhiệt độ cao phải được để trong hộp có dán nhãn “sử dụng trước” và được ưu tiên sử dụng trước trong buổi tiêm chủng sau.
- Các hộp vắc – xin được sắp xếp đúng vị trí, tránh làm đông băng vắc – xin và cần có khoảng cách để lưu thông khí lạnh giữa các hộp vắc – xin.
- Theo dõi và ghi chép nhiệt độ buồng lạnh, tủ lạnh tối thiểu 2 lần/ngày (buổi sáng lúc đến và buổi chiều trước khi về), 7 ngày/tuần (kể cả ngày nghỉ lễ).
- Không bảo quản vắc – xin đã quá hạn sử dụng, lọ vắc – xin đã pha hồi chỉnh sau buổi tiêm chủng và vắc – xin có gắn chỉ thị nhiệt độ đã đổi màu báo cần hủy trong các thiết bị bảo quản.
- Dây chuyền lạnh sử dụng bảo quản vắc – xin chỉ được sử dụng cho vắc – xin. Không để thuốc, hóa chất, bệnh phẩm, thực phẩm và đồ uống trong các thiết bị bảo quản vắc – xin.
- Không thường xuyên mở thiết bị bảo quản.
- Đảm bảo vệ sinh, rửa sạch tay trước khi cầm hộp, lọ vắc – xin.
Quy trình tiếp nhận vắc – xin
Quy trình thực hiện bao gồm các bước:
- Chuẩn bị: thiết bị lạnh được chuẩn bị đảm bảo đủ dung tích cần thiết để chứa vắc – xin trước khi tiếp nhận vắc xin. Kiểm tra và chuẩn bị các thiết bị theo dõi nhiệt độ bảo quản vắc – xin phù hợp đối với từng thiết bị lạnh, đảm bảo đầy đủ số lượng và trạng thái hoạt động của thiết bị. Sổ quản lý vắc – xin được chuẩn bị để ghi chép thông tin khi tiếp nhận. Nhân viên tiếp nhận rửa sạch tay trước khi cầm vào hộp, lọ vắc – xin.
- Bàn giao vắc – xin: Nhân viên phụ trách kiểm tra, đối chiếu từng loại vắc – xin, dung môi với phiếu xuất kho. Sau đó, vắc – xin, dung môi được sắp xếp vào thiết bị bảo quản theo đúng hướng dẫn. Ghi chép các thông tin liên quan vào sổ quản lý vắc – xin (tên vắc – xin, nơi sản xuất, số lượng, hạn sử dụng, nhiệt độ…).
Bảo quản vắc – xin trong tủ lạnh dương
Quy trình bảo quản vắc – xin trong tủ lạnh dương gồm các bước cơ bản sau:
- Đặt hộp vắc – xin trong giỏ của tủ lạnh. Không bao giờ được tháo bỏ giỏ của tủ để thêm dung tích bảo quản và cần để khoảng trống giữa các hộp vắc – xin giúp khí lạnh lưu thông.
- Sắp xếp riêng từng loại vắc – xin theo lô, theo hạn sử dụng, theo nguyên tắc hạn hết trước, vắc – xin tiếp nhận trước được ưu tiên cấp phát sử dụng trước.
- Để thiết bị theo dõi nhiệt độ cùng vắc – xin vào vị trí theo đúng hướng dẫn.
- Kiểm tra, theo dõi nhiệt độ tủ lạnh bảo quản vắc – xin hang ngày và ghi chép lại nhiệt độ vào bảng theo dõi theo như hướng dẫn.
Bảo quản vắc – xin trong tủ lạnh âm sâu
Đảm bảo an toàn cho người
- Tối thiểu phải có 2 người thực hiện tiếp nhận, sắp xếp bảo quản vắc – xin âm sâu có sử dụng đá khô hoặc tủ âm sâu.
- Trước khi mở thùng cách nhiệt vân chuyển vắc – xin cần mặc áo ấm, đeo khẩu trang, gang tay dày không thấm nước, kính bảo hộ kín mắt và đi ủng.
- Không tiếp xúc trực tiếp với đá khô và các khay/thành tủ lạnh âm sâu, tránh hít khí lạnh từ đá khô và tủ âm sâu.
Bảo quản vắc – xin
- Ngay sau khi mở thùng cách nhiệt vận chuyển vắc – xin để kiểm nhập, mở cửa tủ âm sâu để xếp vắc – xin vào các khoang của tủ, sắp xếp vắc – xin tối đa ¾ tổng thể bảo quản của tủ. Mở cánh cửa tủ lạnh âm sâu không quá 3 phút/lần hoặc có phát âm thanh cảnh báo.
- Vắc – xin được sắp xếp theo lô, theo hạn sử dụng, thuận tiện cho việc kiểm tra, theo dõi và cấp phát tiêm chủng. Giữa các lô/loại vắc – xin cần có khoảng trống để khí lạnh lưu thông và phân biệt giữa các lô/loại khác nhau.
- Kiểm tra và ghi chép nhiệt độ của tủ lạnh bảo quản vắc – xin 2 lần/ngày và đủ 7 ngày/tuần (kể cả ngày nghỉ lễ).
Bảo quản dung môi
Dung môi cần được bảo quản nơi khô ráo, không tiếp xúc trực tiếp với các mặt có nguy cơ ẩm, mốc. Dung môi được sắp xếp trên giá kệ, tủ và không để dung môi sát tường, sát đất. Có thể bảo quản dung môi ở nhiệt phòng (≤ 25oC). Trước khi pha hồi chỉnh, dung môi cần được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 oC trong thòi gian tối thiểu 24 giờ. Trong thòi gian bảo quản lạnh, dung môi cần được sắp xếp đúng quy định, tránh nhầm lẫn và phải đảm bảo dung môi không bị đông băng.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Quyết định số 1730/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc – xin” do Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2014.
[2]. Quyết định số 478/QĐ-QLD về việc ban hành Hướng dẫn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vắc xin phòng COVID – 19, do Cục trưởng Cục Quản lý dược ký ban hành ngày 10/08/2021.