Các đặc tính cơ bản của vắc xin
Nguyên lý hoạt động chung của vắc xin là tạo ra trong cơ thể người nhận một đáp ứng miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động sinh ra các kháng thể đặc hiệu chống lại kháng nguyên – mầm bệnh tương ứng khi xâm nhập vào cơ thể động vật.
Một số đặc tính cơ bản của vắc xin có thể kể đến như:
- Tính miễn dịch: vắc xin có khả năng đáp ứng miễn dịch dịch thể hoặc tế bào (hoặc cả hai). Tính miễn dịch phụ thuộc vào kháng nguyên và cơ thể nhận kháng nguyên hay nói cách khác chính là phụ thuộc vào cơ địa của người nhận kháng nguyên.
- Tính kháng nguyên hay tính sinh kháng thể: một vắc xin được đưa vào cơ thể phải có khả năng kích thích cơ thể đó sinh ra kháng thể đặc hiệu tương ứng với kháng nguyên có trong vắc xin.
- Tính ghi nhớ miễn dịch: vắc xin được tiêm vào cơ thể, tạo đáp ứng miễn dịch và ghi nhớ miễn dịch. Khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể đã được tiêm phòng vắc xin (tương ứng với mầm bệnh), cơ thể đó có khả năng nhận diện nhanh chóng mầm bệnh, sinh miễn dịch để tiêu diệt mầm bệnh như khi được “tập duyệt trước” với vắc xin.
- Tính an toàn: vắc xin phải đảm bảo được 3 yêu cầu sau:
- Vắc xin phải vô trùng, không được nhiễm các vi sinh vật khác.
- Thuần khiết: vắc xin không được lẫn các thành phần kháng nguyên khác có thể gây ra các phản ứng phụ.
- Vô độc: sau khi sản xuất, vắc xin phải an toàn, không gây bệnh, không hoặc ít gây ra các phản ứng phụ không mong muốn cho người sử dụng. Liều sử dụng vắc xin phải thấp hơn rất nhiều so với liều gây độc.
Nguyên tắc sử dụng vắc xin
Để đảm bảo hiệu quả vắc xin đạt mức tối đa, việc sử dụng vắc xin theo đúng nguyên tắc luôn là điều kiện hàng đầu. Việc sử dụng vắc xin không đúng không nhưng không mang lại hiệu quả phòng bệnh như mong muốn mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ như làm giảm sức đề kháng của cơ thể, gây ra các phản ứng phụ không mong muốn, thậm chí là các tai biến đáng tiếc.
Các nguyên tắc chung khi tiêm vắc xin phải kể đến như tiêm phòng đúng đối tượng và độ tuổi, đúng thời gian, đúng và đủ liều lượng, đúng đường tiêm hoặc uống. Mỗi loại vắc xin sẽ tương ứng với mầm bệnh cụ thể, đối tượng tiêm và độ tuổi thích để tiêm. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh nền cần được tiêm theo chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ. Liều lượng tiêm và số lần tiêm nhắc lại cũng khác nhau với các loại vắc xin khác nhau. Nếu tiêm quá liều sẽ tạo ra sự ức chế đáp ứng miễn dịch đối với cơ thể, hiệu quả sinh kháng thể đặc hiệu thấp, hoạt động miễn dịch của tế bào bị hạn chế, gây lãng phí vắc xin. Ngược lại, nếu tiêm liều thấp hơn liều quy định, sẽ không đủ lượng kháng nguyên kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch, hiệu lực sinh kháng thể đặc hiệu và hoạt động miễn dịch của tế bào đều thấp, không tạo được khả năng phòng vệ cho cơ thể.
Mỗi loại vắc xin có một đường xâm nhập cơ thể khác nhau, tương ứng với đường xâm nhập của từng loại mầm bệnh vào cơ thể để gây ra bệnh. Hiện nay, các đường đưa vắc xin phổ biến là tiêm bắp, tiêm dưới da, mũi, nhỏ mắt… Trong quá trình nghiên cứu chế tạo vắc xin, các nhà khoa học đã lựa chọn đường đưa tối ưu vào cơ thể cho từng loại vắc xin. Do đó, khi tiêm phòng vắc xin nên đưa theo đường khuyến cáo từ nhà sản xuất để đạt được hiệu quả sử dụng vắc xin tối ưu nhất.
Phản ứng sau tiêm chủng
Phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ hiện tượng sức khỏe nào xảy ra sau khi tiêm chủng và không nhất thiết có mối quan hệ cụ thể với việc sử dụng vắc xin. Phản ứng sau tiêm có thể phân loại thành phản ứng phổ biến, nhẹ hoặc phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng vắc xin là nhẹ và có thể tự khỏi, các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm khi gặp.
Các phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch. Phản ứng tại chỗ bao gồm đau, sung, đỏ tại chỗ tiêm và có thể chiếm khoảng 10% số đối tượng đã được tiêm chủng, trừ tiêm DTwP (Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà) hoặc uốn ván, những vắc xin này có đến 50% có thể có các phản ứng này. BCG (vắc xin Lao) gây ra phản ứng tại chỗ bắt đầu như một sẩn da cam, hai hoặc nhiều tuần sau tiêm sẽ trở thành vết loét và lành sau vài tháng, nhưng để lại sẹo.
Những phản ứng hệ thống bao gồm sốt chiếm tới khoảng 10% đối tượng được tiêm chủng, trừ DTwP chiếm khoảng một nửa số trẻ được tiêm. Những phản ứng thông thường khác cũng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin DTwP như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Các vắc xin sống giảm độc lực như sởi/MMR và OPV gây ra các phản ứng toàn thân. Vắc xin sởi gây ra sốt, phát ban, viêm kết mạc và có thể xảy ra ở 5 – 15% đối tượng được tiêm. Biểu hiện sốt là rất nhẹ so với bệnh sởi tự nhiên. Tuy nhiên, đối với người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng, nó có thể trở lên nghiêm trọng, thậm chí gây ra tử vong. Các phản ứng với vắc xin quai bị (viêm, sưng tuyến mang tai) và Rubella (đau khớp và sưng hạch bạch huyết) gặp ở ít hơn 1% trẻ được tiêm. Vắc xin Rubella gây ra các triệu chứng thường xuyên hơn đối với người lớn, với khoảng 15% bị đau khớp. Những phản ứng do vắc xin Bại liệt uống (OPV) có ảnh hưởng ít hơn 1% người được uống vắc xin, bao gồm các phản ứng như tiêu chảy, nhức đầu, đau cơ bắp. Cần lưu ý rằng các tỷ lệ ghi nhận được là dự kiến phản ứng vắc xin hoặc đáp ứng với kháng nguyên vắc xin, mang tính tương đối. Các sự bất thường về tỷ lệ phản ứng cần được nghiên cứu rõ ràng nguyên nhân và phương pháp khắc phục. [1]
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin có thể đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải nhập viện điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện, có thể dẫn đến tình trạng khuyết tật hoặc tàn tật, phải can thiệp để ngăn chặn tổn thương vĩnh viễn, thậm chí có thể gây ra tử vong. Sốc phản vệ luôn luôn là một hiện tượng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, có khả năng gây tử vong nhưng hiện tượng này cũng có thể điều trị mà không để lại bất kỳ hậu quả nào. Hầu hết các phản ứng vắc xin nặng và hiếm gặp như động kinh, giảm tiểu cầu, hội chứng giảm trương lực, giảm phản xạ hay khóc thét kéo dài thường không thành bệnh mãn tính.
Các phản ứng sau tiêm vắc xin là thường là các phản ứng được tạo ra từ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, cũng có một số phản ứng “bất thường” có thể xảy ra do các sai sót trong tiêm chủng hay việc không tuân thủ các hướng dẫn, quy định trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và bảo quản vắc xin. Các quy định này phải luôn được tuân thủ đúng để đảm hiệu lực vắc xin và tính an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, vắc xin là một chế phẩm có tính biến tính, rất nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng. Hầu hết các vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8oC, ngoại trừ một số loại vắc xin yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ âm sâu như vắc xin Moderna, vắc xin Pfizer phòng chống bệnh COVID – 19. Các thiết bị bảo quản vắc xin chuyên dụng như tủ lạnh bảo quản vắc xin, hòm lạnh, phích lạnh…
Tham khảo thêm các sản phẩm tủ lạnh bảo quản vắc xin tại đây.