Để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, xét nghiệm sàng lọc hay sản xuất, mẫu vật trong thí nghiệm (hoặc viện nghiên cứu, phòng xét nghiệm) có thể là các vật liệu sinh học, các mẫu bệnh phẩm, dược phẩm, vắc xin… Mỗi mẫu vật trong phòng thí nghiệm sẽ yêu cầu những điều kiện bảo quản khác nhau cùng các thiết bị hay tủ bảo quản mẫu chuyên dụng. Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin cơ bản về điều kiện bảo quản của một số mẫu vật trong phòng thí nghiệm.
Điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm
Theo thông tư 40/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm, mẫu bệnh phẩm là các mẫu máu, huyết thanh, huyết tương, phân, nước tiểu, các dịch tiết của cơ thể người (nước bọt, đờm…) hoặc các mẫu khác từ cơ thể người có chứa tác nhân lây nhiễm.
Sau khi các kỹ thuật viên lấy, thu thập, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến cơ sở xét nghiệm phù hợp, trong thời gian nhanh nhất, tốt nhất trong thời gian không quá 2 giờ kể từ khi lấy mẫu. Nếu mẫu không được xử lý ngay, cần phải được bảo quản theo đúng quy định hoặc hướng dẫn đã ban hành. Mỗi mẫu bệnh phẩm sẽ yêu cầu điều kiện bảo quản khác nhau, đảm bảo chất lượng mẫu bệnh phẩm và kết quả xét nghiệm thu được chính xác nhất.
Đối với mẫu máu xét nghiệm, mẫu máu lấy xong được ly tâm để tách riêng các thành phần của máu, không nên để mẫu máu toàn phần quá 4 giờ dù ở nhiệt độ +4oC. Huyết tương, huyết thanh sau khi được tách mà chưa làm xét nghiệm ngay, cần được đậy kín, bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 4 giờ; ở 4oC trong 24 giờ hoặc ở nhiệt độ -24oC có thể bảo quản được trên 24 giờ. Các mẫu bệnh phẩm khi lấy từ tủ đông lạnh cần được lắc đều nhẹ nhàng và rã đông từ từ trước khi tiến hành các xét nghiệm. [1]
Mẫu nước tiểu thường được xét nghiệm ngay sau khi lấy xong. Nếu chưa có điều kiện thực hiện các xét nghiệm ngay, mẫu nước tiểu cần được đậy kín, để nơi thoáng mát và bảo quản ở nhiệt độ phòng, trong thời gian tối đa 24 giờ. Mẫu nước tiểu không được phép lưu trữ ở nhiệt độ thấp hơn 0oC, không được để mẫu bị đông băng.
Mẫu phân được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 4 – 8oC. Số lượng vi sinh vật trong mẫu phân có thể giảm đáng kể nếu không thực hiện đúng quy trình trong vòng 1 – 2 ngày sau khi lấy mẫu.
Các mẫu dịch chọc dò như dịch não tủy, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch mật, dịch tá tràng, sau khi chọc dò được để vào ống nghiệm sạch, nút kín và gửi ngay đến khoa xét nghiệm.
Đối với các mẫu bệnh phẩm là các mảnh mô/tổ chức như gan, phổi, phải tiến hành đông lạnh ngay, nhằm ức chế ngay hoạt động của tế bào.
Với các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SAR – CoV – 2, mẫu bệnh phẩm sau khi thu thập cần được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8oC và chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, không quá 48 giờ kể từ sau khi thu mẫu. Trường hợp không thể chuyển mẫu bệnh phẩm về phòng xét nghiệm trong vòng 48 giờ saun khi thu thập, mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ -70oC trong các thiết bị bảo quản chuyên dụng.
Điều kiện bảo quản vắc xin
Hầu hết các vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2oC đến 8oC. Tuy nhiên, một số vắc xin COVID – 19 yêu cầu bảo quản điều kiện nhiệt độ âm sâu như vắc xin Pfizer từ -80oC đến -60oC; vắc – xin Moderna từ -50oC đến -15oC. Một số loại vắc xin cũng có thể bảo quản ở nhiệt độ từ -15oC đến -25oC trong trường hợp không đủ chỗ lưu trữ bảo quản, như vắc xin bại liệt dạng uống OPV, vắc xin sởi, sởi rubella, Hib đông khô…
Vắc xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt, rất dễ thay đổi nếu điều kiện bảo quản không được đảm bảo tối ưu. Hiệu lực của vắc xin có thể bị giảm hoặc mất nếu vắc xin không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, có thể làm tăng các tác dụng phụ cho người sử dụng vắc xin, thậm chí có thể gây tai biến. Nhiệt độ bảo quản vắc xin phải luôn được theo dõi và ghi chép đầy đủ 2 lần/ngày và 7 ngày/tuần, kể cả ngày nghỉ lễ.
Một số vắc xin cũng rất nhạy cảm với ánh sáng như vắc xin Lao (BCG), vắc xin Sởi nên thường đựng các loại vắc xin này trong các lọ thủy tinh sẫm màu, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng mặt trời và ánh sáng đèn huỳnh quang.
Nguyên tắc bảo quản vắc xin trong các thiết bị bảo quản được quy định trong quyết định số 1730/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Quyết định về việc ban hành “hướng dẫn bảo quản vắc xin”.
Thời gian lưu trữ vắc xin tại các tuyến thực hiện theo đúng “Quy định về sử dụng vắc xin và sinh phẩm dự phòng và điều trị”. Điều này nhằm mực đích cung cấp, phân phối đồng đều và kịp thời vắc xin đến các tuyến, cơ sở tiêm chủng mà không làm ảnh hưởng đến hạn sử dụng hay chất lượng của vắc xin. Tại kho tuyến Quốc gia/khu vực, vắc xin được bảo quản trong thời gian tối đa 12 tháng; kho tuyến tỉnh, thành phố thòi gian tối đa trong 6 tháng; kho tuyến huyện tối đa 3 tháng và tại các cơ sở y tế, nơi tổ chức tiêm chủng là 1 tháng. Trường hợp tạm ngừng sử dụng vắc xin hoặc chưa sử dụng hết trong chiến dịch tiêm chủng, làm thời gian lưu trữ vắc xin kéo dài hơn thì nếu vắc xin còn hạn sử dụng và được bảo quản theo đúng quy định sẽ được tiếp tục sử dụng hoặc luân chuyển đến các tuyến khác; nếu vắc xin đã quá hạn sử dụng hoặc không được phép tiếp tục sử dụng phải tiến hành hủy bỏ theo quy định.
>> Xem thêm: Các model tủ lạnh âm sâuĐối với các vắc xin COVID – 19, từng loại vắc xin có yêu cầu điều kiện nhiệt độ bảo quản khác nhau và thời hạn bảo quản cũng khác nhau. Vắc xin COVID – 19 Pfizer BioNTech có hạn sử dụng tối đa 6 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ – 80oC đến -60oC và 31 ngày ở 2 – 8oC sau khi rã đông. Vắc xin COVID – 19 AstraZeneca được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 2 – 8oC, có hạn sử dụng tối đa 6 tháng. Vắc xin COVID – 19 Moderna có thời hạn sử dụng tối đa 7 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ từ -25 oC đến -15 oC.
Các mẫu vật trong thí nghiệm rất đa dạng có thể là các vật liệu sinh học như tế bào vi sinh, các sản phẩm trao đổi chất củ vi sinh vật như protein, enzyme, kháng sinh… hay các mẫu vật phục vụ cho nghiên cứu thí nghiệm, phân tích các chỉ số hóa lý, sinh học như mẫu đất, mẫu nước hay các hợp chất,… Tùy thuộc vào mục đích sử dụng cũng như đặc tính của từng mẫu mà sẽ có các điều kiện bảo quản thích hợp, đảm bảo duy trì ổn định chất lượng và tính chất cảu mẫu vật.