Kể từ khi ra đời, vắc xin đã trở thành một vũ khí sinh học quan trọng giúp chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là đại dịch COVID – 19. Vắc xin COVID – 19 đã góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động của dịch bệnh đến sức khỏe con người cứu sống, ổn định cuộc sống. Vắc xin không chỉ đặc biệt ở vai trò, đặc tính và còn đòi hỏi điều kiện bảo quản vô cùng nghiêm ngặt.
Vì sao cần bảo quản vắc xin?
Vắc xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt, có chứa kháng nguyên dùng để kích thích cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, giúp chống lại các mầm bệnh cụ thể, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể.
Khác với các loại thuốc thường, vắc xin là một sản phẩm đặc biệt có tính biến thiên, rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiệt độ và ánh sáng, thời gian sử dụng ngắn, hạn chế về mặt số lượng sản phẩm và nhà sản xuất, chỉ sử dụng một lần hoặc một vài lần. Vì vậy, ngay từ khâu sản xuất, bảo quản lưu trữ, vận chuyển cho đến khi sử dụng, điều kiện bảo quản vắc xin phải được tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo quy định của Bộ Y tế. Việc bảo quản và vận chuyển vắc xin không đúng trong thời gian dài, không đảm bảo được chất lượng của vắc xin, dẫn đến giảm hiệu lực phòng bệnh của vắc – xin, có thể làm tăng phản ứng tại chỗ tiêm, gây ra các phản ứng bất thường cho người được tiêm, thậm chí có thể gây tai biến.
Điều kiện bảo quản vắc xin
Vắc xin và dung môi kèm theo phải được bảo quản riêng trong dây chuyền lạnh (hay các thiết bị lạnh bảo quản chuyên dụng), đúng nhiệt độ của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế. Hầu hết các vắc xin phải luôn được bảo quản ở dải nhiệt độ từ +2oC đến +8oC, đây là điều kiện nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản vắc xin. Tuy nhiên, một vài vắc xin yêu cầu nhiệt độ bảo quản âm sâu như một số vắc xin Covid – 19. Cụ thể như vắc xin Pfizer bảo quản ở nhiệt độ từ -80oC đến -60oC, vắc xin Moderna từ -50oC đến -15oC. Nếu nhiệt độ bảo quản nằm ngoài khoảng nhiệt độ bảo quản tối ưu, cần phải điều chỉnh lại nhiệt độ hoặc phải chuyển vắc xin đến nơi có điều kiện bảo quản thích hợp. [1]
Kho bảo quản vắc xin phải tuân thủ đúng quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, thiết kế dành riêng cho bảo quản vắc xin. Vắc xin phải được bảo quản riêng biệt trong các thiết bị của dây chuyền lạnh, không bảo quản chung với các sản phẩm khác; sắp xếp vắc xin đúng vị trí, tránh làm đông băng vắc xin.
Vận chuyển vắc xin từ kho bảo quản này đến kho bảo quản khác, hoặc đến điểm tiêm chủng phải bằng xe tải lạnh chuyên dụng. Trong quá trình vận chuyển, vắc xin được bảo quản trong các thiết bị chuyên dụng đảm bảo đúng nhiệt độ bảo quản như tủ lạnh, hòm lạnh hoặc phích vắc xin từ lúc bắt đầu tiêm chủng đến khi kết thúc việc tiêm chủng.
Trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng, nhiệt độ bảo quản vắc xin phải luôn được kiểm tra, theo dõi, ghi chép đầy dủ tối thiểu 2 lần/ngày, 7 ngày/tuần (kể cả các ngày nghỉ lễ) theo đúng như hướng dẫn. Nguyên tắc chung về bảo quản vắc xin trong các thiết bị bảo quản được quy định theo quyết định số 1730/QĐ-BYT Quyết định về việc ban hành “hướng dẫn bảo quản vắc xin” của Bộ Y tế, có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2014. Các tuyến trung ương và cơ sở tiêm chủng phải đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản vắc xin.
Tìm hiểu về các dòng tủ lạnh bảo quản vắc xin tại đây.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin
Vắc xin có thể bị hư hỏng, giảm hoặc mất hiệu lực nếu không đảm bảo đúng điều kiện bảo quản. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu lực vắc – xin có thể kể đến như nhiệt độ và ánh sáng.
Ở nhiệt độ cao (> 8oC), tất cả các vắc xin đều bị ảnh hưởng nhưng một số vắc xin nhạy cảm với nhiệt độ cao hơn các vắc xin khác. Ở nhiệt độ thấp (< 2oC), một số vắc – xin sẽ bị đông băng, mất hiệu lực vắc, xin ví dụ như vắc xin Viêm gan B, Uốn ván, DPT và vắc xin 5 trong 1 (DPT – VGB – Hib).
Một số loại vắc xin rất nhạy cảm với ánh sáng như vắc xin BCG, vắc xin Sởi. Không được để những loại vắc xin này tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn huỳnh quang. Do đó, các loại vắc xin này thường được đựng trong các lọ thủy tinh sẫm màu.
Thời gian bảo quản vắc xin
Thời gian bảo quản vắc xin tại các tuyến thực hiện theo đúng “Quy định về sử dụng vắc – xin và sinh phẩm dự phòng và điều trị”. Thời gian lưu trữ này không ảnh hưởng đến hạn sử dụng hay chất lượng của vắc xin như nhà sản xuất đã công bố. Việc quy định thời gian bảo quản vắc xin nhằm phân bố đồng đều và cung cấp kịp thời vắc xin đến các cơ sở tiêm chủng, trách thiếu hay lãng phí vắc xin. Tại kho tuyến Quốc gia/khu vực, vắc xin được bảo quản trong thời gian tối đa là 12 tháng. Ở các kho tuyến tỉnh, thành phố, thời gian bảo quản tối đa trong 6 tháng. Thời gian bảo quản vắc xin tối đa ở các kho tuyến huyện là 3 tháng và tại các cơ sở y tế, nơi tổ chức tiêm chủng là 1 tháng. Đối với trường hợp tạm ngừng sử dụng hoặc chưa sử dụng hết vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng, dẫn đến thời gian lưu trữ vắc xin kéo dài hơn thì nếu vắc xin còn hạn sử dụng và được bảo quản theo đúng như quy định sẽ được tiếp tục sử dụng hoặc luân chuyển đến các tuyến khác; còn nếu vắc xin không được phép tiếp tục sử dụng hoặc đã hết hạn sử dụng, phải tiến hành hủy theo quy định.
Đối với các vắc xin COVID – 19, từng loại vắc xin có yêu cầu điều kiện nhiệt độ bảo quản khác nhau và thời gian bảo quản cũng khác nhau. Vắc xin Pfizer BioNTech có thời hạn sử dụng tối đa trong6 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ -80oC đến -60oC và 31 ngày ở nhiệt độ từ +2oC đến +8oC sau khi rã đông. Vắc xin COVID – 19 AstraZeneca được bảo quản ở +2oC đến +8oC có hạn sử dụng tối đa 6 tháng. Vắc xin COVID – 19 Moderna có thời gian sử dụng tối đa 7 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ từ -25 oC đến -15 oC.