Máu đóng vai trò trung tâm trong quá trình vận chuyển nước và các chất hòa tan trong cơ thể. Máu là một bệnh phẩm quan trọng và được dùng nhiều nhất. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các xét nghiệm máu cho kết quả nhanh chóng, độ chính xác cao. Việc xét nghiệm máu tổng quát định kì một cách chủ động, bác sĩ có thể chẩn đoán trình trạng sức khỏe của bệnh nhân, phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh, giúp bệnh nhân kiểm soát và được điều trị phù hợp. Vậy xét nghiệm máu gồm những gì và điều kiện bảo quản mẫu máu xét nghiệm như thế nào?
Các xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu thông thường bao gồm 2 nhóm xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm huyết học và xét nghiệm sinh hóa máu.
Trong xét nghiệm huyết học, xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm cơ bản, cần thiết khi khám sức khỏe cũng như khám chữa bệnh. Xét nghiệm này cung cấp các thông tin về thành phần máu như: tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu, tế bào tiểu cầu và nhiều thành phần tế bào khác có trong máu. Kết quả công thức máu giúp bác sĩ có thể đánh giá tình trạng thiếu máu hay không, các dấu hiệu bất thường như nhiễm trùng, các bệnh về máu và các rối loạn khác. Ngoài ra, trong xét nghiệm huyết học còn có xét nghiệm xác định nhóm máu, cần thiết trong các trường hợp cấp cứu cần truyền máu và xét nghiệm này chỉ cần thực hiện một lần.
Xét nghiệm sinh hóa máu sẽ giúp cung cấp các chỉ số đánh giá các chức năng quan trọng trong cơ thể bao gồm:
- Xét nghiệm chức năng hoạt động của gan thông qua các chỉ số AST, ALT, GGT, định lượng Bilirubin (toàn phần, trực tiếp và gián tiếp) …
- Xét nghiệm đánh giá chức năng hoạt động của thận bao gồm các chỉ số Creatinin, Ure;
- Xét nghiệm hàm lượng glucose trong máu và HbA1c giúp tầm soát bệnh đái tháo đường;
- Xét nghiệm mỡ máu thông qua các chỉ số Cholesterol toàn phần, LDL – C, HDL – C, Tridlycerid, giúp tầm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch;
- Xét nghiệm acid uric trong máu để đánh giá nguy cơ bệnh gout.
Lấy máu xét nghiệm
Thông thường mẫu máu dùng để phân tích các chỉ số hóa sinh là máu tĩnh mạch đối với người lớn và trẻ lớn, còn đối với trẻ nhỏ hoặc các xét nghiệm đặc biệt mẫu máu được lấy là máu mao mạch. Từ máu, ta thu được các loại bệnh phẩm sau:
- Máu toàn phần: lấy máu cho vào ống nghiệm có chất chống đông ta sẽ có máu toàn phần;
- Huyết tương: máu được thêm chất chống đông, ly tâm máu toàn phần ở tốc độ khoảng 3000 vòng/phút trong 10 phút, sẽ thu được huyết tương là dịch nổi phía trên.
- Huyết thanh: để máu đông tự nhiên trong khoảng 30 phút đến 1 giờ, ly tâm ở tốc độ khoảng 3000 vòng/phút trong 10 phút, phần dịch nổi phía trên là huyết thanh.
Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chỉnh xác, việc lấy máu xét nghiệm phải được thực hiện trong điều kiện chuẩn, khi bệnh nhân đói, với cùng một tư thế và trong cùng khoảng thời gian trong ngày, sau khi đã buộc garo.
Bảo quản mẫu máu xét nghiệm
Với mỗi loại xét nghiệm khác nhau cần có cách bảo quản khác nhau, có thể kể đến một số điều kiện bảo quản các mẫu xét nghiệm sau:
- Bảo quản các enzym: các mẫu huyết tương sử dụng để đo hoạt độ enzym thường có thể bảo quản ở 40C đến 5 ngày mà hoạt độ enzym không giảm quá 10%.
- Bảo quản các cơ chất: các chất chuyển hoá trong huyết tương thường ổn định ở 40C trong 6 ngày mà nồng độ của chúng không có sự thay đổi đáng kể. Nếu sự xác định dựa trên phản ứng Jaffé, bảo quản mẫu ở nhiệt độ phòng có thể làm giảm nồng độ của phosphat, acid uric và creatinin. Bilirubin bị phá huỷ khi bị ánh sáng chiếu nên cần tránh ánh sáng trực tiếp trong quá trình bảo quản. Glucose chỉ được bảo quản sau khi đã tách protein khỏi mẫu máu hoặc thêm chất ổn định.
- Các protein, các kháng nguyên và kháng thể được bảo quản ở 4oC trong 1 tuần.
- Bảo quản các hormon và dấu ấn ung thư tương đối bền ở nhiệt độ phòng (25oC) trong 3 ngày.
Khi mẫu xét nghiệm cần được vận chuyển đến các nơi khác, chỉ được sử dụng huyết tương hoặc huyết thanh và cần bảo quản mẫu trong phích đá khô. Trừ trường hợp đặc biệt, máu toàn phần mới được vận chuyển đi xa để phân tích.
Trong trường hợp muốn bảo quản mẫu máu xét nghiệm trong một thời gian dài, mẫu máu cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn -20oC cho các thiết bị hay tủ mát bảo quản máu chuyên dụng. Khi cần sử dụng, mẫu máu dược rã đông từ từ ở nhiệt độ 4 – 8oC qua một đêm hoặc trong bể nhiệt có lắc. Việc đông băng và rã đông không nên lặp đi lặp lại.
Những lưu ý khi lấy máu xét nghiệm
Thời điểm tốt nhất để lấy máu xét nghiệm là buổi sáng. Trong vòng 8 – 12 tiếng trước khi lấy mẫu máu, người lấy máu cần nhịn ăn, có thể uống nước lọc nhưng không được uống các loại nước ngọt, nước trái cây, sữa, rượu hay sử dụng thuốc lá … Việc ăn, uống trước thời điểm gần lấy mẫu máu xét nghiệm dẫn đến kết quả các xét nghiệm không chính xác, sai lệch. Một số loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Thời gian nhận kết quả xét nghiệm
Thời gian cho kết quả xét nghiệm máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như người khám, bác sĩ, kỹ thuật xét nghiệm, các chỉ định xét nghiệm máu. Đối với các xét nghiệm máu như công thức máu, chỉ số glucose, mỡ máu thường chỉ sau 2 – 3 giờ có thể nhận được kết quả. Đối với về các bệnh lý phức tạp hơn, thời gian nhận kết quả xét nghiệm khoảng 1 tuần.
Thông qua xét nghiệm máu tổng quát, kết hợp với các thông tin về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, bác sĩ có thể xác định trình trạng sức khỏe hiện tại, đưa ra những chẩn đoán, phương hướng điều trị một số bệnh lý ngay từ giai đoạn rất sớm hoặc phòng ngừa các nguy cơ, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh. Người bệnh cũng hiểu hơn về tình trạng sức khỏe, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và làm việc phù hợp, nâng cao sức khỏe của bản thân.
Đối tượng nên xét nghiệm máu tổng quát
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, tất cả các đối tượng dù là người già, người trưởng thành hay trẻ em đều nên xét nghiệm máu tổng quát đinh kỳ hàng năm. Đối với người trong độ tuổi 18 – 30 tuổi, xét nghiệm máu giúp tầm soát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao (viêm gan, lậu, giang mai), kiểm tra sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân. Ở độ tuổi từ 30 – 40 tuổi, xét nghiệm máu giúp tầm soát sớm các nguy cơ gây bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn lipid máu, gout … Đối với độ tuổi trung niên, xét nghiệm máu giúp tầm soát các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp; các bệnh lý ung thư phổ biến như ung thư gan, dạ dày, phổi