Vắc – xin phải được bảo quản nghiêm ngặt theo đúng quy định về bảo quản thuốc trong dây truyền lạnh từ khâu sản xuất đến khi sử dụng. Bảo quản vắc – xin không đúng cách có thể dẫn đến vắc – xin bị hư hỏng, giảm hoặc mất hiệu lực. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng, vắc – xin phải luôn được bảo quản trong điều kiện thích hợp nhất.
Nhiệt độ và thời gian bảo quản vắc – xin
Vắc – xin phải luôn được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ theo khuyến cáo từ nhà sản xuất. Thông thường, vắc – xin đươc bảo quản ở khoảng nhiệt độ 2 – 8oC. Một số loại vắc – xin có thể bảo quản ở khoảng nhiệt độ từ -15oC đến -25oC trường trường hợp không đủ chỗ lưu trữ, như vắc – xin bại liệt dạng uống OPV, sởi, sởi rubella, Hib đông khô…
Thời gian lưu trữ vắc – xin khác nhau ở các tuyến lưu trữ, nhằm mục đích đảm bảo tính kịp thời và liên tục trong việc cung ứng đủ vắc – xin trong tiêm chủng mở rộng. Tại kho tuyến Quốc gia, khu vực, thời gian lưu trữ vắc – xin tối đa là 12 tháng. Tại kho Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh/thành phố, thời gian lưu trữ vắc – xin tối đa là 6 tháng; 3 tháng đối với kho Trung tâm Y tế quận/huyện và 1 tháng tại cơ sở y tế.
Trong trường hợp thời gian lưu trữ vắc – xin kéo dài hơn thời hạn đã quy định do phải tạm dừng sử dụng vắc – xin hoặc vắc – xin tiêm trong chiến dịch chưa sử dụng hết, nếu vắc – xin còn hạn sử dụng và được bảo quản đúng theo quy định sẽ tiếp tục được sử dụng hoặc luân chuyển; nếu vắc – xin đã quá hạn sử dụng hoặc không được tiếp tục sử dụng phải hủy bỏ theo quy định.
Nguyên tắc chung khi bảo quản vắc – xin trong dây truyền lạnh
Dây chuyên lạnh là hệ thống thiết bị nhằm bảo quản và vận chuyển vắc – xin theo đúng nhiệt độ quy định từ nhà sản xuất đến người sử dụng, bao gồm buồng lạnh, xe tải lạnh, tủ lạnh, hòm lạnh, phích vắc – xin.
Theo quyết định số 1730/QĐ-BYT Quyết định về việc ban hành “hướng dẫn bảo quản vắc – xin” của Bộ Y tế, có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2014 [1], khi bảo quản vắc – xin trong dây chuyền lạnh cần phải tuân thủ các nguyên tắc chung sau:
- Vắc – xin và dung môi được sắp xếp theo loại, theo lô, hạn sử dụng để thuận tiện cho việc cấp phát.
- Sử dụng vắc – xin theo nguyên tắc hạn ngắn phải được sử dụng trước, tiếp nhận trước phải sử dụng trước và/hoặc theo tình trạng của chỉ thị nhiệt độ lọ vắc –xin.
- Những lọ vắc – xin còn nguyên được mang về từ buổi tiêm chủng, lọ vắc – xin có chỉ thị nhiệt độ đã chuyển sang giai đoạn có tiếp xúc với nhiệt độ cao phải được để trong hộp có dán nhãn “sử dụng trước” và được ưu tiên sử dụng trước trong buổi tiêm chủng sau.
- Các hộp vắc – xin được sắp xếp đúng vị trí, tránh làm đông băng vắc – xin và cần có khoảng cách để lưu thông khí lạnh giữa các hộp vắc – xin.
- Theo dõi và ghi chép nhiệt độ buồng lạnh, tủ lạnh tối thiểu 2 lần/ngày (buổi sáng lúc đến và buổi chiều trước khi về), 7 ngày/tuần (kể cả ngày nghỉ lễ).
- Không bảo quản vắc – xin đã quá hạn sử dụng, lọ vắc – xin đã pha hồi chỉnh sau buổi tiêm chủng và vắc – xin có gắn chỉ thị nhiệt độ đã đổi màu báo cần hủy trong dây chuyền lạnh.
- Dây chuyền lạnh sử dụng bảo quản vắc – xin chỉ được sử dụng cho vắc – xin. Không để thuốc, hóa chất, bệnh phẩm, thực phẩm và đồ uống trong dây chuyền lạnh bảo quản vắc – xin.
- Không thường xuyên mở thiết bị dây chuyền lạnh.
- Đảm bảo vệ sinh, rửa sạch tay trước khi cầm hộp, lọ vắc – xin.
Bảo quản vắc – xin trong buồng lạnh
- Nhiệt độ bảo quản vắc – xin trong buồng lạnh phải luôn đảm bảo trong khoảng 2 – 8o
- Không được để vắc – xin dễ sát vách tủ lạnh hoặc gần giàn lạnh nơi phát ra luồng khí lạnh trong buồng lạnh nhằm tránh vắc – xin bị hỏng bởi đông băng.
- Kiểm tra mức độ an toàn của khu vực bảo quản bằng chỉ thị đông băng điện tử (Freeze Tag) hoặc máy ghi nhiệt độ tự động đã được kích hoạt.
- Vắc – xin phải luôn được sắp xếp lên giá, kệ trong buồng lạnh, đảm bảo cho không khí lưu thông dều và giữ cho vắc – xin tránh tiếp xúc trực tiếp với nên buồng lạnh.
Bảo quản vắc – xin trong tủ lạnh của mở trước
Đặt hộp vắc – xin và dung môi trong giỏ của tủ lạnh. Không được tháo bỏ giỏ của tủ để có thêm dung tích bảo quản. Để khí lạnh có thể lưu thông đều trong tủ lạnh cần để chừa những khoảng trống dọc theo các hàng của hộp vắc –xin. Nhiệt kế và chỉ thị đông băng để cùng với loại vắc xin nhạy cảm đông băng. Nếu có khoang làm đá riêng, thì sử dụng khoang này để làm đông băng bình tích lạnh. Không để quá nhiều bình tích lạnh trong tủ lạnh. Vắc xin OPV, sởi, BCG sắp xếp để ở phía dưới đáy tủ. Vắc xin dễ hỏng do đông băng (như VGB, DPT, DT, Td, uốn ván, DPT-VGB-Hib, Thương hàn, Tả) để ở phía trên.
Bảo quản vắc – xin trong tủ lạnh mở trước
Nếu tủ lạnh có khoang làm đá riêng, thì sử dụng khoang này để làm đông băng bình tích lạnh, không để quá nhiều bình tích lạnh. Các vắc – xin OPV, sởi, BCG để ở giá trên cùng gần khoang làm đá. Vắc – xin dễ hỏng do đông băng như VGB, DPT, DT, Td, uốn ván, DPT-VGB-Hib, thương hàn, tả để ở giá giữa. Dung môi được xếp bên cạnh vắc – xin hoặc dưới đáy tủ.
Nhiệt kế và chỉ thị đông băng được để cùng với những vắc – xin nhạy cảm với đông băng ở giá giữa. Không để vắc – xin ở cánh cửa tủ lạnh. Bình chứa nước để ở ngăn dưới cùng tủ lạnh nhằm giúp duy trì nhiệt độ khi tủ lạnh mất điện.
Bảo quản vắc – xin trong hòm lạnh và phích vắc – xin
Khi vắc – xin được vận chuyển, sử dụng trong các buổi tiêm chủng cần bảo quản vắc – xin trong hòm lạnh, phích vắc – xin. Nhiệt độ bảo quản vắc – xin luôn được đảm bảo teong khoảng 2 -8oC bằng bình tích lạnh hoặc đá lạnh. Phích vắc – xin được để ở chỗ mát, nắp phích vắc – xin luôn được đóng chặt và chỉ mở khi có người đến tiêm chủng. Khi kết thúc buổi tiêm chủng, những lọ vắc – xin còn nguyên để vào tủ lạnh và đặt trong hộp “ưu tiên sử dụng trước”, cần được sử dụng sớm trong buổi tiêm chủng tiếp theo.
Hình 4. Hòm lạnh trữ vắc – xin
Bảo dưỡng thiết bị trong dây chuyền lạnh bảo quản vắc – xin
Thiết bị lạnh phải được bảo dưỡng định kì, vệ sinh sạch sẽ. Đối với buồng lạnh, tủ lạnh cần được xả
băng thường xuyên. Hòm lạnh và phích vắc – xin phải được lau khô sau khi sử dụng. Các thiết bị phải thường
xuyên được kiểm tra, theo dõi tình trạng hoạt động và có kế hoạch sửa chữa hoặc thay thế phù hợp, đảm bảo vắc – xin luôn được bảo quản trong điều kiện thích hợp nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Quyết định số 1730/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc – xin” do Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2014.