6

Điều Kiện Bảo Quản Máu Và Tủ Lạnh Bảo Quản Máu

Máu là thành phần vô cùng quan trọng với sự sống của con người. Cho đến nay, chưa có dược phẩm hay chế phẩm nào có thể thay thế máu. Vì thế hiến máu chính là một nghĩa cử cao đẹp, cứu chữa rất nhiều người. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc máu sau khi hiến sẽ được điều chế thành những chế phẩm nào và điều kiện bảo quản chúng ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Máu và các thành phần của máu

Máu là một dịch lỏng lưu thông trong hệ tuần hoàn của cơ thể. Máu bao gồm hai thành chính là các tế bào máu và huyết tương. Thành phần của các tế bào máu gồm tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu, tế bào tiểu cầu. Mỗi thành phần của máu đều đảm nhận một hoặc nhiều nhiệm vụ trong cơ thể.

Các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các mô, tế bào khác và nhận khí cacbonic từ các mô trở lại phổi và đào thải chúng ra ngoài cơ thể. Tế bào bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể thông qua việc phát hiện và tiêu diệt những vật khác lạ có thể gây hại cho cơ thể. Các tế bào tiểu cầu tạo ra các cục máu đông, cầm máu tại các vết thương ở thành mạch máu. Huyết tương cung cấp các thành phần khác nhau cho cơ thể như đạm, đường, vitamin, khoáng chất,…

Các thành phần của máu

Ảnh 1: Các thành phần của máu

Chế phẩm máu và chức năng của các chế phẩm máu

Sau khi lấy từ người hiến, máu sẽ được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc (viêm gan B, viêm gan C, HIV, HTLV, giang mai, sốt rét), được điều chế và tách chiết thành các “chế phẩm máu”. Các chế phẩm máu bao gồm máu toàn phần, các khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương. Mỗi chế phẩm máu sẽ có những tiêu chuẩn về chất lượng, điều kiện bảo quản, thời gian sử dụng riêng phù hợp cùng với chức năng điều trị bệnh thích hợp. Tùy thuộc vào nhu cầu của từng bệnh nhân, bác sĩ điều trị sẽ có những chỉ định sử dụng những chế phẩm máu tương ứng phù hợp, theo nguyên tắc thiếu thành phần máu nào – truyền thành phần máu đấy.

Máu toàn phần được xét nghiệm, điều chế và tách chiết thành các chế phẩm máu

 Ảnh 2: Máu toàn phần được xét nghiệm, điều chế và tách chiết thành các chế phẩm máu

Máu toàn phần được lấy trực tiếp từ mạch máu người hiến. Máu toàn phần có chứa hồng cầu là thành phần chính, tiểu cầu và một số yếu tố đông máu; ngoài ra, còn chứa các tế bào Lympho và huyết tương. Máu toàn phần được chỉ định sử dụng trong trường hợp bệnh nhân mất nhiều máu, thường mất ≥ 1/3 lượng máu cơ thể. Không nên dùng máu toàn phần cho bệnh nhân suy thận, suy tim hay bệnh nhân chỉ thiếu máu đơn thuần.

Khối hồng cầu là chế phẩm máu được ly tâm từ máu toàn phần và đã tách huyết tương. Tùy theo cách điều chế mà thu được các loại hồng cầu khác nhau như khối hồng cầu đậm đặc, khối hồng cầu có dung dịch bảo quản, khối hồng cầu nghèo bạch cầu, khối hồng cầu rửa, khối hồng cầu lọc bạch cầu và khối hồng cầu chiếu xạ,… [1]

Khối hồng cầu đậm đặc bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và một lượng ít huyết tương. Khối hồng cầu đậm đặc được chỉ định điều trị cho các trường hợp thiếu máu. Vì là khối hồng cầu đậm đặc nên tốc độ truyền chậm, có thể gây ra các phản ứng truyền máu và gây tan máu sớm do các chất trung gian được giải phóng từ bạch cầu và kháng thể trong huyết tương (giống như “vật lạ” gây ra phản ứng miễn dịch).

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản bao gồm hồng cầu, dung dịch bảo quản và ít bạch cầu. Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản thường được chỉ định dùng cho các bệnh nhân thiếu máu do suy tim, suy thận.

Khối hồng cầu nghèo bạch cầu là máu toàn phần được tách huyết tương và lớp giữa huyết tương và hồng cầu (thành phần Buffy coast). Chế phẩm máu này được chỉ định dùng trong những trường hợp bênh nhân thiếu máu đơn thuần.

Khối hồng cầu rửa là khối hồng cầu đã được bỏ hết huyết tương, trộn đều với nước muối và ly tâm liên tiếp 3 lần để rửa. Khối hồng cầu rửa được truyền cho bệnh nhân thiếu máu, tan máu tự miễn.

Khối hồng cầu lọc bạch cầu và khối hồng cầu chiếu xạ là khối hồng cầu đã dùng màng lọc bạch cầu, tia xạ hoặc dùng cả hai. Chế phẩm máu này thường được dùng cho bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân thiếu máu bị giảm nặng khả năng miễn dịch, để đảm bảo an toàn, tránh các phản ứng do các chất trung gian hay kháng thể có trong bạch cầu hoặc huyết tương.

Mỗi chế phẩm máu có chức năng tương ứng

 Ảnh 3: Mỗi chế phẩm máu có chức năng tương ứng

Đối với khối tiểu cầu, có hai loại khối tiểu cầu là khối tiểu cầu tách từ máu toàn phần và khối tiểu cầu lấy trực tiếp từ người cho thông qua thiết bị chuyên dụng. Khối tiểu cầu được chỉ định dùng cho bệnh nhân mắc các bệnh giảm tiểu cầu nặng, đặc biệt sau khi điều trị các bệnh ác tính, sốt xuất huyết, điều trị hóa chất, bệnh suy tủy, rối loạn sinh tủy.

Chế phẩm huyết tương tươi được tách từ máu toàn phần, thường chỉ định dùng để thay thế huyết tương, rối loạn đông máu, bù các thành phần thiếu trong huyết tương và thể tích huyết tương thiếu, các trường hợp mất quá nhiều máu do chấn thương, phẫu thuật.

Ngoài ra, còn có các chế phẩm máu khác như khối bạch cầu hạt chỉ định dùng cho bệnh nhân bị nhiễm trùng năng, không còn bạch cầu hạt hay điều trị bằng kháng sinh không có kết quả; chế phẩm huyết tương bất hoạt vi – rút (do huyết tương có thể chứa các yếu tố lây nhiễm nên có thể dùng tia cực tím hoặc hóa chất để ức chế hay bất hoạt vi – rút).

Điều kiện bảo quản và tủ lạnh bảo quản máu

Các chế phẩm máu thường được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 2oC đến 6oC. Ở điều kiện bảo quản trên, máu toàn phần, khối hồng cầu có dung dịch bảo quản có thể bảo quản tối đa trong thời gian 42 ngày; khối hồng cầu rửa có thể bảo quản tối đa trong 24 giờ; khối hồng cầu chiếu xạ có thể lưu trữ tối đa 2 tuần kể từ khi chiếu xạ còn khối hồng cầu qua màng lọc chỉ có thể lưu trữ không quá 24 giờ.

Một số chế phẩm cũng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng nhưng thời gian lưu trữ ngắn hơn so với bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Khối hồng cầu rửa có thể bảo quản tối đa trong 6 giờ ở nhiệt độ 22oC. Trong điều kiện lắc liên tục và nhiệt độ bảo quản 22oC, khối tiểu cầu có thể bảo quản tối đa 3 – 5 ngày.

Huyết tương là chế phẩm máu yêu cầu điều kiện khác biệt hơn so với các chế phẩm máu còn lại. Huyết tương yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ -25oC, với điều kiện bảo quản này huyết tương có thể lưu trữ trong thời gian lên đến 1 năm. Ở nhiệt độ dưới -25oC, thời gian bảo quản huyết tối đa có thể đạt đến 2 năm.

Tủ bảo quản máu

 Ảnh 4: Tủ lạnh bảo quản máu

Các thiết bị bảo quản máu hay tủ bảo quản máu phải đảm bảo duy trì nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình bảo quản, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng của máu, làm hỏng máu hay làm thay đổi tính chất của máu (các chế phẩm máu). Tủ bảo quản máu thường có cửa kính trong suốt, thuận tiện cho việc kiểm soát, lấy mẫu, tạo mỹ quan và tính khoa học. Tủ bảo quản máu cũng có thể dùng để bảo quản lưu trữ các mẫu sinh học, dược phẩm trong phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu hay bệnh viện.

Tùy thuộc vào điều kiện bảo quản của từng chế phẩm mà sử dụng tủ lạnh bảo quản thích hợp, đảm bảo các chế phẩm máu được lưu trữ trong điều kiện tối ưu nhất. Với điều kiện nhiệt độ bảo quản 2 – 6oC, các chế phẩm máu có thể bảo quản trong các tủ lạnh bảo quản thông thường. Đối với huyết tương, yêu cầu bảo quản ở điều kiện nhiệt độ âm sâu (≤ -25oC), huyết tương sẽ được bảo quản trong tủ lạnh âm sâu, duy trì được nhiệt độ bảo quản phù hợp, đảm bảo chất lượng của huyết tương.

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *