Vì sao phải bảo quản vắc – xin nghiêm ngặt?
Vắc – xin là một chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, được dùng để tạo miễn dịch chủ động đặc hiệu, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Kể từ khi ra đời, vắc – xin trở thành một vũ khí sinh học siêu việt giúp con người phòng chống các bệnh lây nhiễm nguy hiểm.
Nguồn: Sưu tầm
Khác với các loại thuốc thông thường, vắc – xin là một sản phẩm đặc biệt có tính biến thiên, nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng, thời gian sử dụng ngắn, hạn chế về số lượng sản phẩm và nhà sản xuất, sử dụng một lần hoặc một vài lần.
Vì vậy, nhiệu độ thích hợp bảo quản vắc xin là bao nhiêu sẽ hợp lý từ khâu sản xuất, lưu trữ, vận chuyển cho đến khi sử dụng, vắc – xin cần được bảo quản nghiêm ngặt trong điều kiện thích hợp nhất, tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế. Cách bảo quản và vận chuyển vắc – xin không đúng trong thời gian dài, không đảm bảo được chất lượng của vắc – xin, dẫn đến giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc – xin, có thể làm tăng phản ứng tại chỗ tiêm, thậm chí gây tai biến cho người sử dụng.
Các loại vắc – xin bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế, các bệnh truyền nhiễm và vắc – xin bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm: Viêm gan B, Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, bệnh do Heamophilus Inffluenzae tuýp B, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Rubella. Ngoài ra, đối với người có nguy cơ cao mắc bệnh tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, ngoài những vắc – xin được kể trên, vắc – xin tả và vắc – xin dại cũng là các vắc – xin bắt buộc sử dụng. [1]
Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch, cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải đảm bảo phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, bên cạnh các vắc – xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vẫn còn nhiều vắc – xin phòng ngừa hàng loạt bệnh truyền nhiễm khác như vắc – xin phòng thủy đậu, vắc – xin phòng viêm màng não, viêm phổi, phòng cúm, phòng ung thư cổ tử cung… Và đặc biệt nhất trong thời điểm hiện tại đó chính là vắc – xin phòng ngừa Covid – 19.
Điều kiện nhiệt độ bảo quản vắc – xin thích hợp là bao nhiêu đúng chuẩn
Vắc – xin và dung môi kèm theo phải được bảo quản riêng trong dây chuyền lạnh, đúng nhiệt độ theo đăng ký của nhà sản xuất với Bộ Y tế. Vắc – xin phải luôn được bảo quản ở khoảng nhiệt độ từ 2oC đến 8oC. Đây là điều kiện nhiệt độ thích nhất để bảo quản vắc – xin. Nếu nhiệt độ bảo quản nằm ngoài khoảng nhiệt độ bảo quản thích hợp, cần phải điều chỉnh lại nhiệt độ hoặc chuyển vắc – xin đến nơi có điều kiện bảo quản phù hợp.
Hầu hết các vắc – xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thường được bảo quản, lưu trữ và vận chuyển ở điều kiện nhiệt độ từ 2oC đến 8oC. Tuy nhiên, vắc – xin Covid – 19 yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ âm sâu và mỗi loại vắc – xin có điều kiện nhiệt độ bảo quản khác nhau như vắc – xin Pfizer bảo quản ở nhiệt độ từ – 80oC đến – 60oC; vắc – xin Moderna bảo quản trong khoảng từ – 50oC đến – 15oC và vắc – xin AstraZeneca từ 2oC đến 8oC.
Nhiệt độ bảo quản vắc – xin phải luôn được kiểm tra, theo dõi, ghi chép đầy đủ tối thiểu 2 lần/ngày (buổi sáng lúc đến và buổi chiều trước khi về), 7 ngày/tuần (kể cả các ngày nghỉ lễ) trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng. Các tuyến trung ương và cơ sở phải đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản vắc – xin.
Nhiệt độ bảo quản vắc xin thích hợp là bao nhiêu sẽ hợp lý
Vắc – xin có thể bị hư hỏng, giảm hoặc mất hiệu lực nếu không được bảo quản ở nhiệt độ đúng theo quy định.
Ở nhiệt độ cao (> 8oC), tất cả các vắc – xin đều chịu ảnh hưởng nhưng một số vắc – xin nhạy cảm với nhiệt độ cao hơn các vắc – xin khác. Ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến vắc – xin được sắp xếp theo thứ tự sau: vắc – xin Bại liệt dạng uống (OPV), Sởi, Vắc – xin 5 trong 1 (DPT – VGB – Hib), vắc xin Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván (DPT), vắc – xin Lao (BCG), vắc – xin Bạch hầu – Uốn ván (Dt), vắc – xin Uốn ván – Bạch hầu (Td), vắc – xin Uốn ván (UV), Viêm gan B (VGB), Viêm não Nhật Bản (VNNB).
Ở nhiệt độ thấp (< 2oC), một số vắc – xin sẽ bị đông băng, mất hiệu lực vắc – xin như vắc xin Viêm gan B, Uốn ván, DPT và vắc – xin 5 trong 1.
Thời gian bảo quản vắc – xin
Thời gian bảo quản vắc – xin tại các tuyến được thực hiện theo đúng “Quy định về sử dụng vắc – xin và sinh phẩm dự phòng và điều trị”. Thời gian lưu trữ này không ảnh hưởng đến hạn sử dụng hay chất lượng của vắc – xin như nhà sản xuất đã công bố mà nhằm mục đích đảm bảo tính kịp thời và liên tục trong việc cung ứng đủ vắc – xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tại kho tuyến Quốc gia/khu vực, vắc – xin được bảo quản trong thời gian tối đa 12 tháng; kho tuyến tỉnh, thành phố thời gain bảo quản tối đa trong 6 tháng; kho tuyến huyện là 3 tháng; tại các cơ sở y tế, nơi tổ chức tiêm chủng là 1 tháng. [2]
Trong trường hợp tạm ngừng sử dụng vắc – xin hoặc chưa sử dụng hết trong chiến dịch tiêm chủng, dẫn đến thời gian lưu trữ vắc – xin kéo dài hơn, nếu vắc – xin còn hạn sử dụng và được bảo quản theo đúng quy định sẽ được tiếp tục sử dụng hoặc luân chuyển đến các tuyến khác; nếu vắc – xin đã hết hạn sử dụng hoặc không được phép tiếp tục sử dụng phải tiến hành hủy bỏ theo quy định.
Đối với các vắc xin COVID – 19, mỗi loại có yêu cầu nhiệt độ bảo quản khác nhau và thời gian bảo quản cũng khác nhau. Vắc xin COVID – 19 Pfizer BioNTech có hạn sử dụng tối đa 6 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ – 80oC đến – 60oC và 31 ngày ở 2 – 8oC sau khi rã đông. Vắc xin COVID – 19 AstraZeneca được bảo quản ở 2 – 8oC có hạn sử dụng tối đa 6 tháng. Vắc xin COVID – 19 Moderna có hạn sử dụng tối đa 7 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ từ – 25 oC đến – 15 oC.
Vắc – xin đóng vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với con người. Đặc biệt với dịch bệnh Covid – 19, sự ra đời của các vắc – xin phòng chống Covid – 19 đã góp phần to lớn giúp nhân loại chống chọi và vượt qua đại dịch, ổn định lại cuộc sống. Hơn thế, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm các biến chủng mới, việc nghiên cứu nâng cao hiệu lực và tính an toàn của vắc – xin Covid – 19 cũng như phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo quản vắc – xin là điều cần thiết và được quan tâm đầu tư trên toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Thông tư số 38/2017/TT-BYT Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
[2]. Quyết định số 1730/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc – xin” do Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2014.