kho lạnh âm sâu

Những Điều Cần Biết Về Bảo Quản Tế Bào Gốc

Tế bào gốc đang trở thành một giải pháp mới vô cùng tiềm năng trong nghiên cứu và điều trị cho ngành y học. Tế bào gốc máu cuống rốn còn được xem là “tấm thẻ bảo hiểm sinh học” trọn đời đang được các bố mẹ lựa chọn cho con cái của mình ngay khi vừa chào đời. Vậy tế bào gốc là gì, ứng dụng và cách lưu trữ, bảo quản tế bào gốc ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những kiến thức cơ bản về tế bào gốc.

1.      Tế bào gốc là gì

Tế bào gốc có thể gọi là nguyên liệu thô của cơ thể để tạo ra các loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt. Trong cơ thể hoặc trong điều kiện phòng thí nghiệm thích hợp, tế bào gốc có khả năng tự tái tạo, tăng sinh, phát triển biệt hóa trở thành các tế bào chuyên biệt với chức năng đặc hiệu như tế bào não, tế bào máu, tế bào cơ tim hoặc xương. Khả năng tự nhiên này chỉ có ở tế bào gốc mà không có ở các tế bào khác.

Tế bào gốc là gì

(Nguồn: https://www.bvdaihoc.com.vn/)

2.      Phân loại tế bào gốc

Dựa vào nguồn gốc có thể chia tế bào gốc thành: tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành, tế bào gốc biến đổi từ tế bào gốc trưởng thành, tế bào gốc chu sinh.

Tế bào gốc phôi (ESC – Embryonic Stem Cell) là tế bào gốc vạn năng, có ở phôi giai đoạn sớm (3 – 4 ngày tuổi). Ở giai đoạn này phôi có khoảng 150 tế bào. Tế bào gốc phôi có khả năng phân chia thành nhiều tế bào gốc khác hoặc biệt hóa trở thành bất kì tế bào nào trong cơ thể.

Tế bào gốc trưởng thành (ASC – Adult Stem Cell) có mặt ở hầu hết các tổ chức của cơ thể với số lượng ít, như ở tủy xương và mô mỡ. Tế bào gốc trưởng thành có tiềm năng biệt hóa hạn chế hơn tế bào gốc phôi.

Tế bào gốc biến đổi từ tế bào trưởng thành hay còn được gọi là tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC – induced Pluripotent Stem Cell), được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu sử dụng các tế bào trưởng thành (các tế da và các tế bào mô đặc hiệu khác), “tái lập trình bộ gen” của chúng để tạo ra tế bào gốc mới có khả năng tương tự như tế bào gốc phôi.

Phân loại tế bào gốc

(Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Tế bào gốc chu sinh hay tế bào gốc thai (Perinatal Stem Cell), các tế bào này được tìm thấy trong nước ối và dây rốn của trẻ sơ sinh.

3.      Ứng dụng của tế bào gốc trong y học

Cho đến nay, công nghệ tế bào gốc đã được ứng dụng để nghiên cứu và chữa hơn 80 loại bệnh khác nhau, điển hình như trong điều trị các bệnh như tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, viêm xương khớp, các bệnh tim mạch, tổn thương tủy sống, trị liệu ung thư, hạn chế thính giác, phục hồi thị lực, …

Từ các tế bào gốc, các nhà khoa học tạo ra tế bào khỏe mạnh để bổ sung, thay thế hay sửa chữa cho các tế bào gây bệnh, tế bào bị tổn thương hay tế bào già yếu, tế bào chết.

triển vọng nghiên cứu tế bào gốc

(Nguồn: https://www.bvdaihoc.com.vn/)

Một ứng dụng y sinh học tuyệt vời khác của tế bào gốc là mô hình hóa bệnh lý. Các nhà nghiên cứu tạo ra các tế bào gốc cảm ứng iPSC, giúp thử nghiệm nhiều phương thức trị liệu khác nhau trong phong thí nghiệm mà không phải tiến hành thử nghiệm trực tiếp trên cơ thể người. Ưu điểm này tránh được các quy định khắt khe cũng như vấn đề đạo đức phức tạp và khó vượt qua. Các nhà nghiên cứu có những khám phá nhanh chóng hơn, gia tăng sự hiểu biết về cơ chế gây bệnh, nguyên nhân và tiến triển của bệnh, nghiên cứu các phương thức trị liệu.

Ngoài ra, tế bào gốc nuôi cấy còn giúp phát triển các loại thuốc mới, nghiên cứu hiệu quả và tính an toàn của thuốc, sàng lọc độc tính mà không cần thử nghiệm trên người tình nguyện.

4.      Vấn đề đạo đức nghiên cứu

Tế bào gốc phôi được lấy từ giai đoạn đầu của phôi thai chính vì thế các nghiên cứu từ tế bào gốc phôi người đang gặp phải các vấn đề về đạo đức nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu chỉ được phép lấy tế bào gốc phôi từ các phôi được thụ tinh trong ống nghiệm, đồng thời các phôi này không còn được sử dụng nữa và phải được sự đồng ý của người hiến tặng phôi.

Để tránh các vấn đề đạo đức trên, các nhà khoa học nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành thay thế tế bào gốc phôi. Tuy nhiên, tế bào gốc trưởng thành có nhiều mặt hạn chế hơn so với tế bào gốc phôi như tính linh hoat, tính bền vững. Mặt khác, tế bào gốc trưởng thành chỉ có thể biệt hóa thành một số tế bào chuyên biệt nhất định. Nhưng tế bào gốc trưởng thành cũng cho thấy nhiều triển vọng, có khả năng thích nghi cao.

5.      Bảo quản tế bào gốc

Các tế bào gốc được bảo quản theo công nghệ bảo quản đông lạnh. Bảo quản đông lạnh là một quá trình bảo quản tế bào, mô, … ở nhiệt độ thấp, bảo tồn các đặc tính sinh học của các tế bào, bảo vệ chúng khỏi sự phá hủy, ô nhiễm và thoái hóa. Các quy trình bảo quản tế bào gốc được tiêu chuẩn hóa và được kiểm soát chất lượng, đảm bảo các tế bào gốc được bảo quản trong thời gian dài mà không bị mất các đặc tính của chúng.

Các tế bào gốc sau khi đã được xử lý và lấy mẫu xét nghiệm, sẽ được trộn thêm chất dinh dưỡng và các chất bảo quản đặc biệt như DMSO, glycerol, polypropylene, trehalose… Vì khi bảo quản ở nhiệt độ thấp, sự hình thành các tinh thể nước đá trong tế bào sẽ phá vỡ cấu trúc tế bào, ảnh hưởng đến các đặc tính của tế bào và gây chết tế bào. Việc sử dụng chất bảo quản làm giảm đáng kể những tác động bất lợi cho tế bào gốc khi bảo quản ở nhiệt độ thấp.

Sau đó, các tế bào được đưa vào thiết bị hạ nhiệt độ theo chu trình đã được tối hóa cho từng loại tế bào và được lưu trữ trong các bình chứa nito lỏng nhiệt độ – 196oC. Tế bào gốc đi vào trạng thái nghỉ không hoạt động cho tới khi cần, chúng được “đánh thức” bằng một quy trình giải đông cũng được tối ưu hóa tương ứng với mỗi loại tế bào.

bảo quản tế bào gốc

(Nguồn: https://vienhuyethoc.vn/)

Trên lý thuyết, các tế bào gốc khi được bảo quản trong nito lỏng có thể tồn tại vĩnh viễn. Tuy nhiên, hầu hết các ngên hàng tế bào gốc trên thế giới hiện nay nhận lưu trữ bảo quản tế bào gốc tối đa là 25 năm. Thời gian lưu trữ tế bào gốc tùy thuộc vào mong muốn của chủ nhân sinh học của tế bào gốc, ví dụ như lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của trẻ sơ sinh, sau khi trẻ trưởng thành có thể quyết định tiếp tục hay dừng việc lưu trữ tế bào gốc. Mục đích sử dụng tế bào gốc. Ngoài ra, công nghệ lưu trữ tế bào gốc cũng quyết định thời gian lưu trữ; ngoài bảo quản trong nito lỏng, tế bào gốc cũng có thể được bảo quản trong các tủ đông sâu với thời gian lưu trữ, bảo quản ngắn hơn.

Tham khảo thêm các dòng tủ đông sâu bảo quản tế bào gốc.

Tại Việt Nam hiện nay, có 2 loại hình ngân hàng lưu trữ tế bào gốc bao gồm ngân hầng lưu trữ tế bào gốc quốc tế (Medeze, Cordlife, FSCB) và ngân hàng lưu trữ tế bào gốc nội địa (Vinmec, Mekostem, bệnh viện Phụ sản Trung Ương, bệnh viện Truyền Máu Huyết học, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương). Tất cả các ngân hàng lưu trữ tế bào gốc đều tuân thủ quy trình bảo quản tế bào gốc đã được tiêu chuẩn hóa, đạt yêu cầu về kiểm soát chất lượng.

Như vậy, tế bào gốc đang là một hướng nghiên cứu, điều trị đầy hứa hẹn cho y học trong hiện tại và tương lai. Lưu trữ tế bào gốc có thể giúp gia tăng cơ hội điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm cho chủ nhân sinh học của tế bào gốc, người thân cũng như những người được hiến tặng. Tuy nhiên, các hạn chế về mặt đạo đức, pháp lý, rào cản về kỹ thuật, các nhà khoa học, y học cần nghiên cứu sâu hơn nữa mà mục tiêu chính vẫn là hiệu quả và an toàn.

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *