Quá trình thu thập, bảo quản, đóng gói, lưu trữ hay sử dụng các mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ theo đúng quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật. Mỗi công đoạn trong cả quá trình đều đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của mẫu xét nghiệm, tính chính xác của kết quả xét nghiệm, chẩn đoán bệnh. Vậy có những lưu ý gì trong quá trình thu thập, xử lý, bảo quản mẫu bệnh phẩm?
Mẫu bệnh phẩm là gì?
Theo thông tư 40/2018/TT-BYT (Quy định về mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm), mẫu bệnh phẩm là các mẫu máu, huyết thanh, huyết tương, nước tiểu, phân, dịch tiết của cơ thể người, các mẫu khác từ người có chứa chất lây nhiễm, các chủng vi sinh vật, mẫu có chứa vi sinh vật có khả năng gây bệnh cho người.
Lấy mẫu bệnh phẩm
Việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vô cùng quan trọng, quyết định tới chất lượng mẫu bệnh phẩm, ảnh hưởng tới việc xét nghiệm giải phẫu bệnh và tế bào, liên quan trực tiếp đến kết quả xét nghiệm, chẩn đoán bệnh. Các mẫu bệnh phẩm thường được thu thập là máu, dịch mũi, dịch tỵ hầu, đờm, dịch phết trực tràng, phân, tinh dịch, nước bọt, nước tiểu, mảnh sinh thiết da, nốt phỏng …
Việc thu thập mẫu bệnh phẩm phải luôn tuân thủ đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật, nên luôn luôn theo an toàn chung, mang gang tay trong tất cả các quy trình, đảm bảo vô khuẩn khi lấy bệnh phẩm cũng như tránh lây nhiễm cho người lấy mẫu, người được lấy mẫu, những người khác có liên quan, cộng đồng và môi trường.
Nguyên tắc chung của lấy mẫu bệnh phẩm là lấy đúng và lấy đủ. Trong quy trình lấy mẫu, kỹ thuật viên cần đảm bảo lấy đúng ở vùn tổn thương (hoặc vùng có nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm) và lấy đủ số lượng, đủ thành phần của mẫu bệnh phẩm.
Khi thu thập mẫu bệnh phẩm, người thu thập phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu thông tin gửi kèm bệnh phẩm và gửi phiếu kèm theo mẫu bệnh phẩm.
Các lưu ý khi lấy mẫu bệnh phẩm
Đối với nhân viên xét nghiệm, phải được tập huấn cách lấy mẫu bệnh phẩm, các loại mẫu xét nghiệm, các nguyên vật liệu cần biết. Nhân viên xét nghiệm phải lắm rõ công việc lấy mẫu, vị trí hoặc vùng lấy mẫu và xác định việc vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm (thời gian, nhiệt độ, tuyến đường, phương thức vận chuyển, các tài liệu liên quan đúng nguyên tắc) và áp dụng đúng quy trình khử khuẩn. Tùy từng loại bệnh phẩm và mức độ nguy hiểm, lây nhiễm của bệnh mà có những quy định về bảo hộ cá nhân như khẩu trang, gang tay, quần áo bảo hộ, kính, ủng hoặc bao giày …
Đối với trang thiết bị – an toàn phổ quát, các loại trang bị dụng cụ xét nghiệm được kiểm tra theo danh mục hướng dẫn, trang phục bảo hộ cá nhân, trang bị khử khuẩn, dung dịch Chloramine B 5%. Khi lấy mẫu bệnh phẩm nên tránh lây nhiễm và lấy đủ số lượng. Áp dụng đúng các biện pháp an toàn sinh học khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cần có dụng cụ sơ cứu đầu tiên nơi thu thập bệnh phẩm.
Đối với bệnh nhân, người bệnh cần được thông báo về xét nghiệm thực hiện, hướng dẫn để có sự hợp tác cao nhất giữa bệnh nhân và nhân viên xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình lấy mẫu. Bệnh nhân cần được tư vấn trước xét nghiệm để ổn định tâm lý, nắm được lý do xét nghiệm, giải thích giá trị xét nghiệm khi làm đúng thời điểm và các quy định về xét nghiệm thực hiện.
Mẫu xét nghiệm cần được hoàn tất các thông tin trên phiếu xét nghiệm, lọ chứa mẫu đúng theo nguyên tắc. Nhãn của mỗi mẫu xét nghiệm nên ghi rõ một số thông tin sau: họ tên hoặc mã số bệnh nhân, yêu cầu xét nghiệm (loại bệnh phẩm), ngày thu thập mẫu.
Bảo quản mẫu bệnh phẩm
Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy, thu thập được chuyển đến cơ sở xét nghiệm phù hợp, trong thời gian nhanh nhất, tốt nhất là trong vòng 2 giờ kể từ khi lấy mẫu. Nếu mẫu không được xử lý ngay, cần phải được bảo quản theo đúng quy định, hướng dẫn. Mỗi mẫu bệnh phẩm sẽ yêu cầu điều kiện bảo quản khác nhau, đảm bảo chất lượng mẫu bệnh phẩm phục vụ cho các xét nghiệm, đảm bảo tính chính xác cho kết quả xét nghiệm.
Đối với mẫu máu xét nghiệm, máu lấy xong được ly tâm ngay để tách riêng các thành phần của máu, không nên để mẫu máu toàn phần quá 4 giờ dù ở nhiệt độ +4oC. Huyết tương, huyết thanh sau khi được tách mà chưa làm xét nghiệm ngay, cần được đậy kín, bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 4 giờ, ở 4oC trong 24 giờ hoặc ở nhiệt độ – 24oC có thể bảo quản được trên 24 giờ. Các mẫu bệnh phẩm khi lấy từ tủ đông lạnh cần được rã đông từ từ, lắc đều nhẹ nhàng trước khi tiến hành các xét nghiệm.
Mẫu nước tiểu thường được xét nghiệm ngay khi lấy xong. Nếu chưa có điều kiện làm ngay, mẫu nước tiểu cần được đậy kín và bảo quản ở nhiệt độ phòng, để nơi thoáng mát, trong thời gian không quá 24 giờ. Mẫu nước tiểu không được phép lưu thấp hơn 0oC, không được để đông băng.
Mẫu phân được bảo quản ở nhiệt độ 4 – 8oC, số lượng vi sinh vật có thể giảm đáng kể nếu không thực hiện đúng quy trình trong vòng 1 – 2 ngày sau khi lấy mẫu.
Mẫu dịch chọc dò như dịch não tủy, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch tá tràng, dịch mật, sau khi chọc dò cần để vào ống nghiệm sạch, nút kín và gửi ngay đến khoa xét nghiệm.
Đối với các mẫu bệnh phẩm là các mảnh mô/tổ chức như gan, phổi, phải tiến hành đông lạnh để ức chế ngay hoạt động của tế bào.
Đối với mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi – rút SAR – CoV – 2, mẫu bệnh phẩm sau khi thu thập cần được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 oC và chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đảm bảo không quá 48 giờ sau khi thu mẫu. Trong trường hợp không thể chuyển mẫu về phòng xét nghiệm trong vòng 48 giờ sau thu thập, mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ – 70oC trong các thiết bị, tủ đông sâu chuyên dụng.
Cơ sở được phép quản lý mẫu bệnh phẩm
Theo Thông tư 40/2018/TT-BYT, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có chức năng xét nghiệm, bảo quản, lưu trữ, sử dụng, nghiên cứu hoặc tiêu hủy mẫu bệnh phẩm được phép thu thập, bảo quản, vận chuyển, xuất – nhập khẩu, xét nghiệm, lưu trữ và nghiên cứu mẫu bệnh phẩm.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp phép phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm và các hoạt động thực hiện đối với mẫu bệnh phẩm.
Các cơ sở quản lý mẫu bệnh phẩm phải được cấp phép và đạt tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học theo các quy định đã được ban hành, tương ứng với từng mẫu bệnh phẩm được lưu trữ, bảo quản, sử dụng, trao đổi hay tiêu hủy.
Để đảm bảo chất lượng mẫu bệnh phẩm, sự chính xác của kết quả xét nghiệm, từ việc lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển đến sử dụng cần phải luôn tuân thủ theo đúng quy định, hướng dẫn đối với từng mẫu bệnh phẩm và mục đích xét nghiệm, sử đụng mẫu bệnh phẩm. Vì chỉ cần một thao tác không chính xác, hay chuẩn bị chưa đầy đủ trong quá trình thực hiện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và chẩn đoán bệnh hay phương pháp điều trị cho bệnh nhân.