máu

Tìm Hiểu Về Máu Và Tủ Bảo Quản Máu

1.      Máu là gì?

Máu là một chất lỏng lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể, bao gồm hai thành phần chính là các tế bào máu và huyết tương. [1]

Các thành phần trong máu
Các thành phần trong máu (Nguồn: sưu tầm)

Các tế bào của máu

Tế bào hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất trong máu, chứa huyết sắc tố – chất làm cho máu có màu đỏ. Nhiệm vụ của các tế bào hồng cầu là vận chuyển khí oxy từ phổi đi đến các mô và nhận khí cacbonic từ các mô về phổi để đào thải. Tủy xương sinh ra các tế bào hồng cầu để duy trì lượng hồng cầu ổn định của cơ thể, thay thế các tế bào hồng cầu già yếu. Vòng đời trung bình của các tế bào hồng cầu là 120 ngày và được đào thải chủ yếu ở lách và gan.

Tế bào bạch cầu đảm nhiệm chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện các “vật lạ” gây bệnh xâm nhập vào cơ thể và triệt tiêu chúng. Bạch cầu được sinh ra tại tủy xương và có vòng đời từ một tuần đến vài tháng.

Tế bào tiểu cầu tham gia vào chức năng cầm máu bằng cách tạo ra các cục máu đông bịt lấy các vết thương ở thành mạch máu. Ngoài ra, nhờ chức năng làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc, các tế bào tiểu cầu giúp thành mạch mềm mại, dẻo dai. Cũng giống như các tế bào hồng cầu và bạch cầu, tế bào tiểu cầu được sinh ra tại tủy xương. Vòng đời của các tế bào tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày.

Huyết tương

Huyết tương là phần dung dịch có màu vàng nhạt. Thành phần chủ yếu của huyết tương là nước và các thành phần khác như kháng thể, đạm, đường, mỡ, vitamin, khoáng chất… Huyết tương có nhiệm vụ vận chuyển nguyên liệu quan trong của cơ thể như glucose, sắt… Huyết tương chiếm 55 – 65% tổng thể tích máu của cơ thể. Huyết tương thay đổi theo tình trạng sinh lý của cơ thể.

2.      Chế phẩm máu

Các túi máu toàn phần được tiếp nhận từ người hiến máu sẽ được đưa vào hệ thống để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm nhóm máu, sau đó được điều chế và tách chiết ra các “chế phẩm máu”. Các xét nghiệm sàng lọc các loại vi – rút, vi trùng, ký sinh trùng lây qua đường truyền máu (như viêm gan B, viêm gan C, HIV, HTLV, giang mai, sốt rét), kháng thể bất thường giúp loại bỏ các túi máu có mầm bệnh. Mỗi chế phẩm máu có tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện bảo quản lưu trữ và thời gian sử dụng riêng, phù hợp với chức năng điều trị bệnh của từng loại chế phẩm máu đó. Tùy theo nhu cầu của mỗi bệnh nhân, bác sĩ điều trị sẽ có những chỉ định sử dụng các chế phẩm phù hợp theo nguyên tắc thiếu thành phần máu nào truyền thành phần máu đó.

Quy trình sản xuất chế phầm máu
Quy trình sản xuất chế phẩm máu (Nguồn: sưu tầm)

3.      Điều kiện bảo quản chế phẩm máu

Máu toàn phần

Máu toàn phần là máu lấy từ mạch máu người hiến, được bảo quản trong túi (chai) có chất chống đông và chất bảo quản máu. Máu toàn phần được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 2 – 6oC, thời gian bảo quản tối đa trong 42 ngày.

Bảo quản máu

Hồng cầu

Hồng cầu là thành phần được thu từ quá trình li tâm máu toàn phần và tách phần huyết tương phía trên sang 1 túi khác. Tùy thuộc vào cách sản xuất mà có các khối hồng cầu khác nhau.

Khối hồng cầu đậm đặc

Thành phần của khối hồng cầu đậm đặc bao gồm hồng cầu, bạch cầu, một ít huyết tương. Nhiệt độ bảo quản khối hồng cầu đậm đặc là 2 – 6oC, thời hạn sử dụng thông thường là 35 ngày. Nếu bổ sung thêm chất nuôi dưỡng, hồng cầu có thể bảo quản tối đa trong thời gian 42 ngày.

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản

Khối máu hồng cầu có dung dịch bảo quản được thu từ máu toàn phần sau khi li tâm, tách huyết tương khỏi hồng cầu và được trả lại dung dịch bảo quản. Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 2 – 6oC, thời gian tối đa 42 ngày.

Khối hồng cầu nghèo bạch cầu

Thành phần của khối hồng cầu nghèo bạch cầu bao gồm hồng cầu và bạch cầu đã được loại bỏ hầu hết, chỉ còn lại khoảng 10% so với khối hồng cầu thông thường. Do đó, khối hồng cầu nghèo bạch cầu có ưu điểm là giảm các phản ứng do bạch cầu, giảm nguy cơ gây bệnh từ các tác nhân có trong bạch cầu. Khối hồng cầu nghèo bạch cầu được chỉ định trong trường hợp thiếu máu đơn thuần.

Khối hồng cầu rửa

Khối hồng cầu rửa được thu từ quá trình li tâm máu toàn phần hoặc khối hồng cầu, bỏ hết huyết tương rồi thay thế nước muối, trộn đều và li tâm lại để rửa 3 lần. Khối hồng cầu rửa bao gồm hồng cầu và nước muối. Khối hồng cầu rửa được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 6oC trong thời gian tối đa 24 giờ. Ở nhiệt độ 22oC, có thể bảo quản tối đa khối hồng cầu rửa trong 6 giờ.

Khối hồng cầu lọc bạch cầu và khối hồng cầu chiếu xạ

Khối hồng cầu lọc bạch cầu và khối hồng cầu chiếu xạ là khối hồng cầu đã được lọc bạch cầu hay tia xạ (bất hoạt bạch cầu), hoặc cả hai. Ở điều kiện nhiệt độ 2 – 6oC, chế phẩm máu này có thể bảo quản tối đa 2 tuần kể từ khi chiếu xạ; nếu dùng mạng lọc rời (hở), bảo quản tối đa 24 giờ sau lọc.

Khối tiểu cầu

Khối tiểu cầu điều chế từ máu toàn phần hay được tách chiết trực tiếp từ người hiến máu bằng máy, được bảo quản ở nhiệt độ 20 – 24oC trên máy lắc liên tục và có hạn sử dụng trong 5 ngày.

Huyết tương tươi đông lạnh

Huyết tương tươi là huyết tương được tách ra từ máu toàn phần trong thời gian tối đa 6 giờ kể từ lúc lấy máu. Huyết tương tươi đông lạnh chính là huyết tương tươi được bảo quản đông lạnh. Thành phần của chế phẩm này bao gồm các yếu tố huyết tương (Albumin, Globulin miễn dịch), yếu tố đông máu bền vững, yếu tố VIII (còn khoảng 70%). Huyết tương tươi đông lạnh được bảo quản ở nhiệt độ âm (-25oC) với thời hạn 1 năm. Ở nhiệt độ dưới -25oC, thời gian bảo quản huyết tương tươi đông lạnh có thể kéo dài đến 2 năm.

Ngoài ra, ở 4oC, huyết tương tươi đông lạnh tan ra có 1 phần tủa, li tâm tách tủa, thu được huyết tương tươi tách tủa. Phần huyết tương này được bảo quản ở điều kiện tương tự như huyết tương tươi đông lạnh và chỉ định dùng cho bệnh nhân mắc bệnh Hemopilia B, mất huyết tương, tai biến quá liều kháng vitamin K.

4.      Tủ bảo quản máu

Ta thấy, điều kiện bảo quản máu toàn phần và các khối tiểu cầu thường được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 6oC trong các tủ bảo quản máu, thời gian bảo quản tối đa có thể đến 42 ngày. Ở điều kiện nhiệt độ 2 – 6oC, các chế phẩm máu này có thể được bảo quản trong các tủ mát.

Đối với chế phẩm huyết tương, yêu cầu điều kiện bảo quản ở nhiệt độ thấp – nhiệt độ âm sâu (< 25oC). Huyết tương được bảo quản trong các tủ âm sâu, đảm bảo nhiệt độ bảo quản thích hợp và thời gian lưu trữ bảo quản huyết tương trong các tủ bảo quản có thể lên đến 1 – 2 năm.

Các dòng tủ bảo quản máu
Các dòng tủ bảo quản máu

Thời gian lưu trữ bảo quản tối đa của các đơn vị máu hiện ở ngưỡng tương đối thấp, đặc biệt với máu hiếm và rất hiếm có số lượng hạn chế. Tuy nhiên, chi phí cho bảo quản máu với số lượng lớn và trong thời gian dài là khá cao. Các nhà khoa học Việt Nam, đang nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ bảo quản máu, cũng như nâng cao, cải thiện thiết kế của các tủ bảo quản máu nhằm giúp tăng khả năng lưu trữ máu số lượng lớn và kéo dài thời gian bảo quản máu, cung cấp đủ máu cho bệnh nhân.